"Bắt bệnh" Vespa cổ: đứt dây các loại

Chơi Vespa cổ đồng nghĩa với việc bạn cũng phải biết những hỏng hóc cơ bản và cách khắc phục chúng. Một ngày, bạn đang thong dong dạo phố khi dừng lại tại ngã tư đèn xanh đèn đỏ, bạn lười về số 0 mà ghì chặt cô ở số 2, bỗng "phựt" chiếc xe chồm lên rồi khực lại đó là do đã bị đứt dây côn. Còn khi bạn sang số không được mà tay số quay tròn đó là lúc đứt dây số. Khi bóp chặt mà nhẹ bẫng hoặc kéo ga mà quay tròn là cũng đã đứt dây phanh và ga.

Đứt các loại dây là bệnh thường gặp nhất trên các dòng xe Vespa cổ

Đứt các loại dây là bệnh thường gặp nhất trên các dòng xe Vespa cổ

Niềm đam mê Vespa cổ luôn gắn liền với cả những "sở thích" sửa chữa chúng mỗi khi xảy ra sự cố.

Luôn chuẩn bị đủ đồ và dây thay thế trong cốp xe

Luôn chuẩn bị đủ đồ và dây thay thế trong cốp xe


Trên các dòng xe Vespa cổ phổ thông (Standard, Super, Sprint…) có 5 loại dây cơ bản, đó là 2 dây số, 1 dây côn, 1 dây phanh sau, 1 dây phanh trước, dây ga. Trong các loại dây đó thì dây côn (ambraya) và số là dễ bị đứt nhất. Vì thế, bạn phải luôn chuẩn bị cho mình 5 loại dây dự phòng trên trong cốp xe để có thể xử lý bất cứ lúc nào.


Thay các loại ruột dây bị đứt


Về cơ bản, chỗ hay bị đứt nhất chính là đầu dây, tức là chỗ dây nối với núm. Autocar Vietnam hướng dẫn bạn thay dây côn, các loại dây khác tương tự.


Khi bị đứt dây bạn cần cho xe sang lề đường hoặc lên hè, dựng chân chống giữa, trả về số 0, đừng vội vàng rút sợi dây cũ ra vội mà bạn cần lấy dây mới, chuẩn bị sẵn sàng mỡ bò (luôn dự bị trong cốp xe) và bôi một ít lên đầu dây mới.


Tiếp theo bạn nhìn xuống gầm máy phía bên phải, chỗ bắt với dây côn, tháo ốc giữ và rút dây ra khoảng 10 – 15cm rồi để nguyên thế. Bạn đẩy dây mới (sau khi đã bôi mỡ bò) vào vỏ dây ở đầu tay côn, sâu đúng bằng khoảng dây cũ rút ra. Cứ như thế, dây cũ rút ra bao nhiêu thì đẩy dây mới vào bấy nhiêu cho đến khi dây mới vào hết vỏ dây và thò ra ở phần dưới máy.

Vị trí cục chì đầu dây côn là chỗ hay bị đứt nhất

Vị trí cục chì đầu dây côn là chỗ hay bị đứt nhất


Tại sao bạn phải làm như vậy mà không rút tuột dây cũ ra hết rồi mới cho dây mới vào? Là bởi vì các vỏ dây thường cũ và có nhiều gấp khúc, cũng có thể bị bụi bám gây tịt lỗ dây, nếu bạn rút hết dây cũ ra rồi mới luồn dây mới vào sẽ rất khó khăn và hay bị mắc giữa chừng. Một mẹo nhỏ nữa để luồn dây nhanh chóng là nếu đầu dây côn cũ bị đứt vẫn còn thò ra ở phía tay côn thì bạn tháo lỏng ốc giữ dây ở gầm máy rồi dùng kìm nhọn rút dây ở phía đầu tay côn lên chừng 10cm, sau đó tìm một đoạn dây thép nhỏ nối dây cũ và dây mới với nhau, kế nữa bạn kéo dây cũ ra, dây mới sẽ theo đó mà luồn vào trong.


Sau khi ruột dây đã vào hết trong vỏ dây, bạn mắc cục chì phía trên vào tay côn, sau đó luồn dây phía dưới vào cần côn ở gầm máy, nhưng chưa cho ốc vào siết dây vội, bạn tìm một đoạn vỏ dây côn, ga hoặc phanh dài chừng 3-5cm xỏ tiếp vào ruột rồi mới luồn ốc giữ côn. Sau đó bạn dùng 2 kìm và 1 chiếc tuốc-nơ-vít để căn chỉnh độ căng của dây côn cho vừa tầm.


Tại sao phải bỏ thêm đoạn vỏ dây dài 3-5cm ở cuối đoạn dây côn? Bởi vì nó sẽ bảo vệ đoạn cuối dây côn khỏi đứt những lúc bạn bóp côn quá căng, thứ 2 nữa là điều này giúp bạn chỉnh độ căng của dây rất dễ.


Thay ruột dây số, ga, phanh cũng làm tương tự, chỉ khác là đoạn cuối các loại dây này không dùng đoạn vỏ dài 3-5cm kể trên. Đối với dây số bạn cần mở nắp hộp số và đầu đèn phía trước xe để luồn dây, nếu hộp số của bạn đủ rộng bạn có thể luồn thêm đoạn vỏ dây chừng 1cm ở cuối 2 dây số trước khi bắt chặt ốc giữ, điều này cũng có tác dụng như ở dây côn. Luôn nhớ tra thêm mỡ bò để dây trơn hơn và di chuyển dễ dàng trong quá trình sử dụng, tránh gỉ sét.

Cần côn, ốc siết căng dây, dây côn và phanh dưới gầm máy

Cần côn, ốc siết căng dây, dây côn và phanh dưới gầm máy


Thay vỏ dây


Thông thường vỏ dây ít khi phải thay nếu bạn bảo dưỡng tốt, khi đã phải thay là đã quá cũ, ruột dây khó luồn vào và di chuyển khó khăn. Thường lúc này vỏ dây bị gãy, gỉ sét, gấp khúc hoặc tắc. Việc luồn vỏ dây khó khăn hơn ruột do không có định hướng, nếu không cẩn thận là phải gỡ sườn ra đi lại dây.


Đầu tiên bạn cần rút ruột cũ ra khỏi vỏ. Sau đó tìm một đoạn dây thép có đường kính bằng hoặc nhỏ hơn ruột dây, dài bằng 2 lần vỏ. Xỏ dây thép vào vỏ mới cho tới khi thò hết ra ngoài lại luồn tiếp vào vỏ dây cũ (nhớ xỏ ở phần đầu tay chỗ ghi đông), khi dây thép đã luồn hết vào 2 vỏ dây và thò ra ở gầm máy thì rút từ từ cụm liên hợp ấy về phía dưới, mục đích là để cho dây mới đi theo đúng đường dây cũ. Hoặc nếu không có dây thép dài như trên bạn có thể dùng dây thép để móc nối vỏ dây cũ và dây mới lại thật chặt với nhau rồi rút dần vỏ cũ ra.


Sau khi vỏ mới đã vào hết vị trí ở vỏ cũ thì tiến hành căn chỉnh độ dài cho phù hợp, thường thì phải cắt đi một ít sau đó cố định và luồn dây ruột vào theo cách kể trên.


Xử lý khi không có dây thay


Đang di chuyển trên đường, bỗng một trong các loại dây kể trên bị đứt mà bạn lại không mang theo dây dự phòng. Nếu biết cách vẫn có thể di chuyển về nhà hoặc nơi sửa chữa gần nhất.

Hộp số, nơi bạn cần mở nắp để thay dây số

Hộp số, nơi bạn cần mở nắp để thay dây số


Đứt dây côn (ambraya): Dựng xe, trả về số 0, nổ máy dùng chân đẩy xe đi và vào thẳng số 2 luôn. Nếu không được thì tìm một con dốc kiểu như hầm nhà cao tầng, lề đường sau đó thả xuống dốc và vào thẳng số (hoặc nhờ ai đó đẩy chạy một đoạn rồi vào số và chạy). Khuyến cáo không chạy xe bị đứt dây côn trong tình trạng tắc đường (kẹt xe) vì xe sẽ lồng lên và chết máy liên tục.


Trường hợp bị đứt dây ga, bạn có thể lấy dây phanh trước thay cho dây ga và cố gắng đi thật chậm. Đứt dây số thì khó khăn hơn một chút, bạn mở nắp hộp số, dùng kìm lẫy vào số 3 hoặc 4 rồi để yên như thế, sau đó bạn bóp chặt dây côn rồi nhờ ai đó đẩy mạnh, tiếp theo bạn thả côn ra máy sẽ nổ, và cố gắng đi một số cố định như thế về tới chỗ sửa hoặc nhà.


Tất nhiên, với việc bạn không mang theo đồ và dây thay thế mà bị đứt dây thì phương án cuối cùng là thuê xe tải chở về.

 

Bài: Trần Giáp